Lưu trữ | Uncategorized RSS feed for this section

Cách làm chả cá dai ngon

20 Th4

Chả cá là món ăn khá thường xuyên có trong danh sách những món dự trữ của gia đình mình. Mỗi lúc có thời gian mình lại làm rồi trữ đông để dành cho những lúc bận chỉ cần cắm cơm, luộc rau và hâm nóng lại chả là có bữa ăn đủ dinh dưỡng rồi. Hay dành cho những lúc bất chợt thèm món bún riêu chả cá là có thể chế biến nhanh được.

Trước khi bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu mình giới thiệu qua một chút về các loại cá mình hay dùng. Có rất nhiều loại cá mình đã làm thử, lúc đầu sang mình chỉ biết mấy loại cá đông lạnh như cá thu (Makrele), cá rô phi (Tilapia), cá tra (Pangasius). Sau này mình thử làm nhiều loại cá tươi như cá tuyết (Kabeljau: ưu điểm là thịt trắng, nhưng chú ý phải nhặt xương và mùi cá rất mạnh), cá than (Seelachs: cá này mùi cũng rất mạnh), cá da trơn (Wels), ngoài ra thì cá sói (Wolfsbach) cũng có thể làm được mà rất rất mất công vì phải nhặt xương rất lâu. Trong tất cả các loại cá ở trên thì mình hay dùng và thích nhất là cá da trơn (Wels), cá này rất dễ chế biến, mùi không mạnh như các loại cá khác, mình còn dùng cá này cho món chả cá lã vọng nữa.

Giờ cùng mình chuẩn bị nguyên liệu để vào bếp làm món chả cá nhé.

Nguyên liệu:

1kg cá

40g nước mắm ngon

2g muối

30g bột ngô

3g bột nêm

30g dầu ăn

2 nhánh tỏi

5g đường

5g hạt tiêu

30g rau thì là

1 lòng trắng trứng

Cách làm:

Nếu làm bằng cá da trơn (Wels) thì mình sẽ cần thời gian chờ đợi, vì giống như chả thịt phải để trong ngăn đá. Nên là khi nào gặp cá tươi ngon mình sẽ mua rồi sơ chế trước, cá rửa sạch, lau khô rồi cho vào máy xay, mình dùng đầu xay thịt của máy Kitchenaid. Cá xay xong cho vào túi dàn mỏng rồi trữ đông, khi nào có thời gian chỉ lấy từ ngăn đá ra để ngoài khoảng 1 tiếng rồi cắt nhỏ cho vào máy quết sẽ rất nhanh.

Dùng cá tuyết (Kabeljau) thì có thể làm luôn không cần đông lạnh, cá mua về rửa sạch lau thật khô, nhặt xương, cắt nhỏ rồi cho vào máy quết luôn cũng được. Nếu gặp cá ngon mà chưa có thời gian làm ngay thì làm theo cách của cá da trơn (Wels)

Trong hình là mình làm bằng cá tuyết không đông lạnh, chả dai và trắng.

  1. Cho cá đã sơ chế cùng với các gia vị còn lại vào máy rồi quết mức độ trung bình, thỉnh thoảng dừng lại quết quanh thành âu.

2. Cho đến khi cá tạo thành một khối nhuyễn mịn dẻo dai là xong, mình cũng không nhớ là khoảng bao nhiêu phút vì toàn làm bằng cảm giác thôi, lần tới làm mình sẽ để ý thời gian rồi ghi chú vào.

3. Tiếp theo là nặn rồi cho vào chảo dầu đã nóng để rán, mình thường dùng thìa và cây vét silicon để nặn, giống như này

4. Chả rán vàng hai mặt rồi cho ra đĩa có lót giấy bếp để thấm dầu

Giờ thì có thể thưởng thức được rồi, nhìn những miếng chả vàng ruộm, bên trong thì trắng như tuyết (cá Tuyết mà :-)), thơm mùi thì là và tiêu, ăn cùng bún hay cơm đều ngon.

Chúc mọi người thành công!

Tết và những mâm cơm tất niên

20 Th1

Tết Tết Tết Tết sắp đến rồi
Tết Tết Tết Tết sắp đến rồi
Tết Tết Tết Tết sắp đến rồi
Tết sắp đến trong tim mọi người

……..

Mọi người đã lên thực đơn cho bữa cơm tất niên chưa, mình thì đã đặt lá dong để gói bánh chưng rồi đấy :-). Tết Tân Sửu đang đến rất gần, chỉ còn gần 1 tháng nữa thôi gia đình mình lại trải qua một cái Tết xa nhà. Vậy là lời hứa năm nào là luôn chuẩn bị Tết để giữ truyền thống cho các con mình vẫn duy trì khá đều. Giờ các con có lớn hơn chút và đã biết là Tết có vẻ đặc biệt hơn ngày bình thường. Cảm giác vui biết mấy khi các con vui đùa háo hức mỗi lần được mặc áo dài khăn đóng để đón Tết.

Đây là bài viết mà mình tổng hợp tất cả những năm ăn Tết xa quê, những chuẩn bị, những mâm cơm tất niên. Những bữa cơm tất niên đầm ấm, cả nhà bên nhau đã làm dịu đi những âm u giá lạnh của mùa đông châu Âu. Cảm giác thật ấm lòng nhìn các con hào hứng ăn ngon lành những món ăn truyền thống.

Tất niên 2012

Đây là năm đầu tiên mình chuẩn bị bữa cơm tất niên, lúc này vẫn còn son rỗi nên bày được nhiều thứ. Nào là làm hoa đào bằng vải dạ, nào là nghiên cứu làm mứt Tết. Chỉ có hai vợ chồng nhưng Tết khá đầy đủ, và cũng từ lúc này tự hứa với mình là sẽ luôn chuẩn bị chu đáo cho Tết trong khả năng có thể để giữ truyền thống. Cũng bắt đầu từ đây mà hàng năm nhà mình quây quần bên mâm cơm tất niên để chụp những bức ảnh kỉ niệm hàng năm, để thấy mỗi năm các thành viên trong gia đình thay đổi thế nào.

Đây cũng là năm khá đặc biệt với gia đình mình, năm đánh dấu sự chào đời của thành viên mới. 🙂

Ngoài những món truyền thống thì năm nay có thêm các món như: tôm viên tuyết hoa, nộm tôm su hào..

Tất niên 2013

Tất niên năm này thật vui vì có thêm thành viên mới, tuy bận với thành viên nhỏ tuổi nhưng mình đã tranh thủ dành thời gian để làm mâm cơm tất niên thật tươm tất. Hoa đào thì cũng không mất thời gian lắm vì dùng bông đã làm của năm trước, chỉ cần đi nhặt cành cây khô để ghép hoa lá vào thôi.:-D

Các món có thêm trong năm nay gồm: Nem tôm, nộm bắp cải bò khô, gà cuộn lá nếp nướng, tôm bao mía, mai ghẹ nhồi thịt hấp

Tất niên 2014

Năm này các món ăn có phần thanh đạm hơn, ít dầu mỡ hơn, ồ xem lại mới phát hiện ra đây là năm duy nhất không có món nem. Một phần do cả nhà bị ốm nên mình cũng không muốn bày ra nhiều, tuy vậy nhưng vẫn đầy đủ không khí Tết nhỉ.

Các món của năm nay là: chả cốm, đậu kẹp thịt hấp, tôm cuộn bí ngồi hấp

Tất niên 2016

Đây cũng là năm đặc biệt vì gia đình mình chào đón thành viên thứ hai, chú khỉ con lúc này vẫn nằm trong bụng nên mẹ vẫn bày vẽ được. Có lẽ đây là năm duy nhất mà mình có thể làm nhiều món như thế. Ngoài cành đào bằng vải dạ thì năm nay có thêm mấy cành mai tây bạn tặng, đầy đủ không khí Tết của hai miền bắc nam.

Nhìn lại mình thấy phục mình ghê :-D, vác cái bụng to bự mà làm được bao nhiêu thứ. Nào là đủ các thể loại bánh chưng: bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng gạo lứt. Rồi thì là các thể loại mứt: xoài, mận, dứa, kiwi, dừa, cà rốt, cam, còn nữa mà nhìn không nhận ra loại nào nữa :-), và còn cả kẹo lạc, chè lam nữa chứ. Làm nhiều thế nhưng cũng không được ăn, vì trong thời điểm đó là mình đang không được ăn đồ ngọt :-(, bị kiêng đủ thứ nên làm cho bõ thèm 😀

Các món năm nay được chuẩn bị và bày biện cũng cầu kỳ hơn chút, mình đã thích là khó cản lắm, chỉ lúc nào thấy bị mệt rồi mới chịu dừng thôi :-).

Thực đơn năm nay có thêm: nem công, chả phượng, cải thìa hấp sốt nấm

Tất niên 2017

Năm này thật đơn giản vì mình bận đi làm nên cũng chỉ chuẩn bị được đúng các món truyền thống, thêm đĩa rau xào tôm, nhưng cả nhà vẫn vui lắm 🙂

Tất niên 2019

Năm nay hai anh chàng lớn rồi nên mẹ bày cho gói bánh chưng, cả hai đều hào hứng gói theo hướng dẫn của mẹ, chỉ có mẹ là mệt vì sau đó dọn bãi chiến trường.

Thực đơn năm nay có thêm món tôm bọc cốm chiên và chả cốm.

Có anh chàng khỉ con nhất định mặc áo dài khăn đóng ngồi ăn tất niên cho đúng điệu 🙂

Tất niên 2020

Đây là năm thứ hai mình mua được cành đào, không phải dùng đào bằng vải dạ nữa.:-) Đào nhật tuy không giống với đào Nhật Tân nhưng vẫn đủ sắc hồng của mùa xuân.

Càng ngày thì thực đơn có phần đơn giản hơn, có nhiều rau xanh hơn, năm nay có thêm món tôm dế. Món này các bạn khá thích vì nó giòn tan. Trông đơn giản vậy thôi mà ăn cũng ngon miệng đấy, quan trọng là không khí quây quần đầm ẩm cả gia đình bên nhau.

Có hai năm là mình không chuẩn bị được tất niên là: năm 2015 thì cả nhà được về Việt Nam ăn Tết, còn năm 2018 thì anh cả sốt đúng hôm 30 Tết nên cả nhà không ai có tâm trạng vui Tết nữa, chỉ lo hạ sốt cho anh ấy.

Mỗi năm qua đi là mỗi cảm xúc khác nhau, những kỉ niệm, những sự kiện, nhìn lại mâm cơm từng năm là mình vẫn nhớ năm đó thế nào, cứ như mới từ hôm qua ấy.

Chờ xem năm nay thực đơn Tết của nhà mình có gì nhé :-).

Chúc mọi người chuẩn bị tết vui!

Bánh gio (tro) không nước tro cho Tết Đoan Ngọ

25 Th6

Mình nhớ khi ở nhà được ăn bánh này vào những dịp Tết, khi mà đã quá ngán với những mâm cỗ ngày Tết thì ăn miếng bánh gio nó làm dịu đi và dễ tiêu mọi thứ đồ thịt thà dầu mỡ. Nhớ cái vị mát mát ăn cùng với mật ngọt, ôi chao là thèm.

Món bánh dân dã mà mình đã tìm hiểu và làm thử rất nhiều lần, thích đến nỗi còn tính nhờ mẹ gửi cả nước tro sang cho để làm. Nhưng giờ thì mình đã có thể tự làm mà nguyên liệu thì không phải qúa khó để tìm nữa. Mùi vị thì mình không khẳng định giống 100%, nhưng cũng đến 90% theo cảm nhận của mình.

Cách làm thì cũng khá đơn gian, không mất nhiều công.

Chúng ta cùng chuẩn bị nguyên liệu để làm nhé:

Nguyên liệu:

Gạo nếp: 500g

Kaliumcarbonat: 20g (có thể mua ở hiệu thuốc)

Nước: 750ml

Lá chuối để gói bánh, lá tre hoặc lá gì mà bạn có thể dùng để gói được. Nếu không có nữa thì có thể gói bằng giấy nướng bánh và bọc bên ngoài giấy bạc, nhưng cố gắng không làm cách này thì hơn vì sẽ không tốt cho sức khoẻ bằng các loại lá.

Cách làm:

1- Ngâm gạo nếp với chút muối 1 ngày

2- Ngày hôm sau hoà tan 20g Kaliumcarbonat với 750ml nước rồi cho gạo vào ngâm thêm 1 ngày nữa.

3- Đổ gạo ra rá rồi rửa sạch gạo với nước, giữ lại nước ngâm gạo để luộc bánh.

4- Gạo đã ráo nước, giờ gói bánh thành từng cái nhỏ xinh vừa ăn. Lần sau làm mình sẽ chụp và đăng sau.

5- Cho bánh vào nồi Instant Pot đổ nước ngâm gạo ngập mặt bánh, để bên trên 1 cái đĩa cho bánh không nổi lên, ấn nút Pressure Cook trong vòng 1h. Để xả tự nhiên lại ấn thêm lần nữa, lặp lại thêm một lần nữa là được. Hoặc bạn có thể nấu bằng nồi áp suất khoảng 3-4 tiếng.

6- Để nguội rồi thưởng thức cùng với mật mía, mật ong, mình thích dùng với Ahorn sirup.

Mời mọi người cùng thưởng thức nhé!

Cách làm đậu phụ mềm thơm béo ngậy

11 Th5

DSC_0530

Lưu lại cách làm sau này cho con dâu xem để làm cho con giai mình ăn, vì món đậu cả hai anh chàng đều thích. 😀 Chắc vì đậu mềm mềm béo dễ ăn, làm xong nóng hổi chỉ cần chấm với xì dầu là hai anh chàng có thể ăn hết bát cơm nhanh chóng.

Ở Việt Nam mình thích nhất là Đậu Mơ (ngon nổi tiếng ở Hà Nội), đậu được gói từng miếng nhỏ chứ không phải làm thành một miếng to rồi cắt ra. Ăn thì vừa mềm, béo ngậy và thơm lắm. Cứ nhớ mỗi lần được đi Hà Nội xuống nhà dì chơi, dì làm món đậu rán ngâm mắm hành cho ăn. Món ăn đơn giản, dân dã mà ăn rất đưa cơm, chẹp chẹp nghĩ đến lại thấy đói rồi 🙂

Làm đậu thì thật là không khó, nhưng chỉ có điều hơi mất thời gian một chút. Khi làm đậu rồi thì mình mới hiểu, tại sao đậu bán ngoài chợ có hàng ngon và không ngon. Thực ra theo kinh nghiệm của mình, bí kíp làm được đậu mềm ngon là pha nước chua và quan trọng là không vội và quyết tâm sẽ làm được đậu ngon cho gia đình ăn thì chắc chắn sẽ thành công.:-)

Giờ thì chúng mình cùng chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ để làm đậu nhé!

Nguyên liệu và dụng cụ cần thiết:

Đậu nành:    500g

Nước:             6- 7 lít (4 lít nước nóng)

Muối:             1,5 thìa cà phê

Dấm:              1,5 thìa cơm (loại 25%)

Máy say sinh tố

Nồi to 10 lít: 1

Khuôn đóng đậu (hoặc rổ, hoặc hộp có lỗ để thoát nước)

Khăn lọc đậu, rây, muôi to, khăn lót khuôn đậu

Chuẩn bị xong hết dụng cụ và nguyên liệu rồi thì mình bắt đầu nhé.

Cách làm:

  1. Đậu tương rửa sạch trước khi ngâm, lúc rửa thì mình có thể lấy ra được một ít vỏ, để nguyên cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng của đậu nhé. Đậu ngâm từ 8-10 tiếng, thường thì mình sẽ ngâm đậu từ tối hôm trước đến gần trưa hôm sau thì làm.
  2. Trước khi bắt đầu xay đậu thì cần chẩn bị nồi đã lót túi lọc đậu, đậu vớt ra rổ rửa sạch rồi để ráo nước một chút. Đậu chia làm 3-4 phần xay nhuyễn với 1,5-2 lít nước lạnh, đậu xay xong đổ vào túi lọc.DSC_0489
  3. Tiếp theo đổ 2 lít nước nóng vào túi đựng sinh tố đậu vừa xay xong, lấy muôi khuấy đều rồi đậy vung 5 phút. Sau đó thì nhẹ nhàng túm miệng túi rồi nhấc lên khỏi nồi, nếu nóng quá chưa dùng tay bóp được thì dùng muôi ép cho ra bớt nước. Nếu vẫn còn nóng thì mở miệng túi cho thêm vào khoảng 500ml nước lạnh rồi vắt hết nước đậu ra. Cho nước nóng thì mình vắt sẽ dễ hơn và được nhiều đậu hơn, bạn có thể cho hoàn toàn nước lạnh, đậu cũng vẫn sẽ ngon. Nhưng cơ bắp của bạn sẽ nhiều hơn vì phải dùng nhiều lực để ép đấy, bạn thử cả hai cách xem sao rồi cho mình biết ý kiến nhé 🙂DSC_0493
  4. Nước đậu đã ép xong, giờ thì đặt nồi lên bếp vặn lửa to và đặt cái muôi to vào nồi để giảm nguy cơ cháy bạn nhé. Dùng muôi khuấy liên tục theo một chiều thôi, khuấy nhẹ nhàng từ dưới lên để tránh tạo bọt.DSC_0502
  5. Trong lúc đợi nước đậu sôi thì mình chuẩn bị lót khăn vào khuôn. Thỉnh thoảng vẫn phải để ý nồi nước đậu không nó trào ra nhé.DSC_0509
  6. Nước đậu vẫn cần thêm vài phút nữa để sôi, chúng mình lại tranh thủ chuẩn bị nước chua. Đun sôi 1,5 lít nước, cho 1,5 thìa cà phê muối và 1,5 thìa cơm dấm vào rồi quấy cho tan muối.
  7. Vừa đúng lúc nước đậu bắt đầu sôi lăn tăn, vừa quấy cho đậu không xém đáy nồi vừa vặn lửa nhỏ xuống, đun sôi trong vòng khoảng 10 phút thì tắt bếp. Nhấc nồi ra khỏi bếp đậy vung lại để khoảng 5 phút. Chỗ nước chua mình chia ra làm 5 phần, đổ lần lượt từng phần vào nồi, vừa đổ vừa khuấy từ dưới lên trên vẫn theo 1 chiều. Rồi đợi khoảng 5 phút mới đổ lần tiếp, đậu kết tủa dần dần, cứ làm thế cho đến khi hết nước chua, lúc này thì đậu kết tủa nhiều hơn, nước đã trong hơn.
  8. Dùng cái rây đặt vào nồi để lấy bớt phần nước trong ra, nếu bạn làm đậu thường xuyên bạn có thể cho phần nước đậu trong đó vào lọ thủy tinh để cho lên men rồi lần tiếp theo dùng làm nước chua.DSC_0519
  9. Giờ thì vớt óc đậu cho vào khuôn và ép nhé, lúc này đậu sẽ rất nóng, có thể bỏng tay đấy. Vì thế đợi nguội chút hãy lấy đậu ra khỏi khăn hoặc ngâm vào nước lạnh cho dễ lấy và đậu không bị nát nhé.
  10. Đậu lấy ra cắt khúc vừa rồi ngâm vào nước muối loãng, có thể để tủ lạnh dùng trong một tuần.
  11. Giờ thì có thể chế biến những món ăn yêu thích hoặc đơn giản bày đậu nóng lên đĩa chấm với tương. Đậu rán lên nở phồng rất ngon, chấm mắm chanh ớt hay làm món đậu ngâm hành mắm và ăn cơm thôi.

Chúc các bạn thành công nhé!

 

 

 

Bánh chay sắc màu cho Tết Hàn Thực 2020

4 Th4

DSC00628

Những sắc màu hoàn toàn tự nhiên, là màu xanh từ trà xanh, màu vàng từ nghệ, màu nâu từ ca cao, màu cam từ gấc.

Bánh trôi, bánh chay truyền thống thì chỉ có màu trắng từ bột gạo thôi, thêm một chút màu sắc từ tự nhiên là mấy mẹ con chúng mình được sáng tạo và vui nhất là được nghịch theo ý mình.

Vì cả nhà không thích ăn bánh trôi nên năm nào mình cũng chỉ làm một loại bánh chay. Có thể ăn cùng bột sắn dây nấu chín, hoặc nước đường nấu với gừng.

Các bạn muốn chơi cùng mấy mẹ con mình thì cùng chuẩn bị những nguyên liệu như sau nhé:

Nguyên liệu cho một buổi chiều sáng tạo vui vẻ:

Đậu xanh:                              300g

Bột nếp:                                  450g

Đường :                                   130g  (nếu ăn ngọt 150g)

Trà xanh:                                1 thìa cà phê  (5-6g)

Bột nghệ:                                  1/4 thìa cà phê

Bột ca cao:                                1/2 thìa cà phê

Gấc (xay nhuyễn)                    1 thìa cơm  (10-15g)

Giờ thì chúng mình cùng bắt nhau vào chuẩn bị nhé

  1. Phần nhân: Đậu xanh ngâm khoảng từ 2-3h, đậu xanh ngâm mềm cho vào nồi đổ ngập nước rồi đun lửa vừa. Nước sôi thì hớt bớt bọt rồi hạ nhỏ lửa, đun khoảng 20-30 phút thì đậu chín mềm, sau đó thì xay nhuyễn. Thành phẩm cân lên được khoảng 800g, lấy 500g xào cùng 130g đường cho đến khi đường tan và hỗn hợp sánh một chút là được. Để nguội rồi nặn thành hình tròn bằng khoảng quả trứng chim cút hoặc to hơn chút tùy theo ý thích. Phần đỗ còn lại mình để ngăn đá, dành cho tuần sau nấu xôi ngô.
  2. Phần vỏ: Bột nếp chia làm 5 phần tương ứng với 5 màu khác nhau. Bạn có thể cho thêm đường vào phần vỏ cho có vị ngọt hơn nếu thích. Cứ 100g bột thì cho thêm khoảng 40g đường bột, thêm hoặc bớt tùy vào khẩu vị từng gia đình nhé.

Màu cam: 100g bột nếp + 1 thìa cơm gấc xay nhuyên (khoảng 15g) + 65g nước nóng             80 độ. Trộn đều thành khối bột mềm dẻo mịn mà không dính tay, làm tương tự với             những màu khác. Lượng nước thêm bớt tùy vào bột mà bạn có, cho dần từng ít                   nước  để có lượng nước hợp lí nhất cho loại bột bạn đang có nhé.

Màu trắng: 100g bột nếp + 80g nước 80 độ

Màu xanh: 100g bột nếp + 1 thìa cà phê bột trà xanh (5-6g) + 80g nước 80 độ

Màu nâu: 50g bột nếp + 1/2  cà phê bột ca cao + 40g nước 80 độ

Màu vàng: 50g bột nếp + 1/4 thìa cà phê bột nghệ + 40g nước

3. Vậy là nguyên liệu và dụng cụ đã chuẩn bị sẵn sàng

 

4. Chúng ta bắt tay vào nhào nặn và sáng tạo nhé

Em bé nhất nhà đang nặn hình ông mặt trời, thật đáng yêu làm sao cái bàn tay nhỏ            xinh.

 

Anh lớn có nhiều ý tưởng, anh nặn đầu sư tử, Nemo, hoa…rất khéo

 

Mẹ thì chỉ thích hoa lá, mẹ nặn mỗi bông hoa một màu khác nhau

 

Và đây là sản phẩm của ba mẹ con sau một buổi chiều nhào nặn thỏa thích.

Sản phẩm của em bé nhất nhà có ông mặt trời, ốc sên, bóng pokemon, bắt cá 🙂

DSC00626

Sản phẩm của anh lớn có cá Nemo, đầu sư tử, đầu hổ, lốp xe ô tô, ốc sên, bông hoa, cua.

DSC00627

Và sản phẩm của mẹ

 

5. Giờ thì cho tất cả vào luộc nhé, thả vào nồi nước xôi từng ít một và đợi đến khi nổi lên mặt nước đun thêm khoảng 1-2 phút thì vớt ra, nếu để lâu sẽ bị vỡ nhân ra đấy nhé.

 

 

DSC00641

6. Giờ thì chuẩn bị nước sốt dùng kèm hoặc ăn luôn cũng được. Có thể quấy bột sắn dây cùng với đường rồi đổ vào ăn cùng, cũng có thể đung nước đường gừng ăn cùng, mình thì thích ăn với nước đường gừng hơn.

 

 

DSC00660

 

 

Chúc các bạn chơi cùng nhau thật vui nhé!

Đầy tháng Minh An (chủ đề Lễ Phục sinh)

29 Th7

DSC_1202

Đầy tháng út ít đúng vào dịp lễ phục sinh nên mẹ có ý tưởng làm lễ ngọt với chủ đề lễ phục sinh để cúng mụ.

Một tháng tuổi em vẫn rất thích ngủ nên mẹ có thời gian để tự tay chuẩn bị cho lễ đầy tháng của em, đơn giản thôi nhưng đong đầy những yêu thương của mẹ.

Bánh kem Mascarpon hình quả trứng trang trí hình con cò đưa con đến với bố mẹ.

DSC_1223

Có rất nhiều con vật là biểu tượng của lễ phục sinh nhưng mẹ chỉ chọn con gà và thỏ. Mẹ chọn gà vì bố mẹ đều tuổi gà, còn thỏ thì mẹ thích vì sự nhanh nhẹn.

Hộp caramen được trang trí bên ngoài hình con gà giấy

Bánh cốm được trang trí hình thỏ bằng vừng

DSC_1225

Mỗi phần gồm: Bánh cốm, Caramen, bánh qui bơ

DSC_1229

Một đĩa trứng có 13 quả, đĩa xôi gấc được chia 13 phần

 

Hoa, quả tươi

Nến thắp lên mẹ bắt đầu cầu nguyện.

DSC_1239

Mong các bà mụ che chở cho con!

 

 

Riêu Tôm từ vỏ tôm

21 Th7

Riêu tôm

Riêu tôm được làm từ vỏ tôm, nghe có vẻ hơi lạ nhỉ. Có lần về nhà chơi, mẹ chồng mua được mớ tôm biển rất ngon, hai mẹ con hấp rồi cùng nhau bóc vỏ tôm ra. Thịt tôm một phần mang ra ăn, một phần thì để trữ đông, vì nhiều mà. Còn vỏ tôm và đầu tôm thì sao, mẹ chồng mình nói giã ra để nấu canh, cứ nghĩ là vỏ tôm chẳng còn gì nữa nhưng giã ra rồi lọc như cua nấu canh ngọt vô cùng.

Từ đấy mà mỗi lần  mình dùng tôm cho nhân nem hay những món khác thì mình giữ lại vỏ tôm. Xay vỏ tôm ra lọc rồi đun lên thì nó cũng có gạch nhưng gạch nó không đóng bánh vào như gạch cua, nhưng nấu canh cũng thơm và ngọt lắm.

Cho đến một ngày tình cờ mình làm được gạch tôm cũng đóng bánh vào được như gạch cua, mùi vị thì chả kém gì riêu cua cả.

Đấy trong cái khó nó ló cái khôn, vì thích ăn riêu cua mà lại dị ứng cua nên minh phải nghĩ ra món thay thế mà vẫn giữ được mùi vị tương đối giống.

Giờ thì chúng ta cùng bắt tay vào làm món riêu tôm nhé.

Nguyên liệu:

1kg tôm (mình hay mua loại tôm đã hấp chín ở Metro rất ngon và ngọt)

Cà chua

Me chua

Thịt xay (mình hay dùng thịt gà xay sẵn)

2 quả trứng gà

Bột ớt ngọt để tạo màu

Lưng gà hoặc xương lợn (để hầm nước dùng)

Hành khô

Nước mắm, muối, đường

Hành, tía tô, kinh giới, salat

Bún khô

Cách làm:

Tôm hấp chín rồi bóc vỏ, tôm hấp cả vỏ thì sẽ ngọt hơn và cũng dễ bóc hơn.

DSC_0006 (640x424)

Vỏ tôm và đầu tôm cho vào máy xay sinh tố

DSC_0009 (640x424)

Cho một nước vào và xay nhuyễn

DSC_0011 (640x424)

Dùng rây để lọc

DSC_0012 (640x424)

Cho đến khi còn bã trắng thế này thì bỏ bã đi

DSC_0013 (640x424)

Đặt nồi nước lọc tôm cho lên bếp đun lửa vừa

DSC_0014 (640x424)

Khấy đều một chiều cho đến lúc gạch tôm nổi lên thế này. Chú ý không để bị trào ra ngoài như mình thế này nhé, lau bếp sẽ rất mệt và còn bị mùi nước tôm cháy nữa 🙂

DSC_0015 (640x424)

Lấy cái hớt bọt ,hớt gạch tôm ra một cái bát to

DSC_0017 (640x424)

Đây là gạch tôm, nó bột bột chứ không đóng bánh được như gạch cua

DSC_0019 (640x424)

Đợi cho gạch tôm nguội thì cho thịt xay và 2 quả trứng gà, nêm gia vị mắm muối cho vừa ăn rồi lấy dĩa đánh đều cho hỗn hợp quện đều vào nhau.

Tiếp theo múc từng thìa hoặc đổ từ từ hỗn hợp gạch tôm vào nồi nước dùng đang sôi lăn tăn

DSC_0020 (640x424)

Đun lửa nhỏ để gạch tôm nổi đều lên trên rồi tắt bếp

DSC_0024 (640x424)

Chuẩn bị nước màu chua (Có thể tham khảo ở đây)

DSC_0026 (640x424)

Cho nước màu chua vào nồi nước dùng rồi đun lửa nhỏ cho sôi lăn tăn, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn theo khẩu vị của gia đình

Chế thêm nước dùng gà nếu thấy ít nước

DSC_0028 (640x424)

Trình bày:

Cho vào tô một ít bún, cho vài con tôm đã hấp chín, mọc tôm (nếu có), đậu rán (nếu có) cho hành lá lên, cho gạch cua vào rồi chan nước dùng cùng với cà chua vào bát, cuối cùng là rắc hành khô lên trên, thưởng thức cùng đĩa salat và sau thơm đã cắt nhỏ.

Nhìn thì không khác gì một bát bún riêu cua nhỉ, mời mọi người dùng thử xem mùi vị thế nào nhé! 🙂

 

DSC_0100 (640x424)

Có thể thay bún bằng bánh đa đỏ cũng rất ngon.

DSC_0447 (640x424)

DSC_0438 (640x424)

Chúc mọi người vui!

 

 

 

 

 

 

 

 

Chào 2016

1 Th1

DSC_0837 (640x424)

Chào 2016 với chiếc bánh hạnh nhân, trang trí bằng những biểu tượng may mắn và chú khỉ con chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán Bính Thân.

Bepsuoncay gửi lời CHÚC MỪNG NĂM MỚI  đến tất cả mọi người, chúc một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn, thành công và hạnh phúc!

Chiếc lá may mắn chúc mừng năm mới 2015

1 Th1

DSC_0932 (640x424)

Chào 2015! Bếp Sườn Cay  chúc mọi nhà một năm mới nhiều sức khỏe, nhiều may mắn, nhiều thành công và thật hạnh phúc nhé!

Cám ơn mọi người trong một năm qua đã ủng hộ, mong nhận được sự ủng hộ của mọi người hơn nữa để tiếp tục phấn đấu. Cám ơn rất nhiều và một lần nữa CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2015!

Mận xào gừng

15 Th12

DSC_0636 (640x424)

Ôi chao là nhớ những ngày Tết được ở nhà trùm chăn, xem phim và  nhấm nháp mận xào gừng cùng một tách trà ấm. Những món mứt, ô mai thường là chỉ được ăn vào dịp Tết, trong những món đó thì mình thích nhất là mận xào gừng và ô mai mận cơm. Chỉ cần nghĩ đến tên những món đó thôi là nước miếng đã tứa ra rồi, chứ chưa nói là nhìn ảnh, nhìn lại thèm, lại nuốt nước miếng ừng ực. 🙂

Thôi thì bắt tay vào làm để thỏa mãn cơn thèm vậy.

Nguyên liệu:

Mận đã sấy 1kg

Gừng 10g (nếu thích ăn nhiều hơn thì cho thêm tùy sở thích)

Đường 350g

Muối 1/2 thìa cà phê

Ớt bột (nếu thích cay hơn)

Cách làm:

Mận tươi rửa sạch

DSC_0303 (640x424)

Sau đó bổ đôi, bỏ hạt

DSC_0306 (640x424)

Xếp vào khay để sấy

DSC_0314 (640x424)

Mình thường sấy khoảng 3 hôm, mỗi hôm sấy khoảng 1h ở nhiệt độ 100, sau khi tắt lò thì bạn để hé lò cho không hấp hơi, nếu hấp hơi thì mận dễ bị mốc. Sấy 3 lần như vậy thì miếng mận hơi săn, cầm vào bóp thấy dẻo là được. Nếu muốn miếng mận dai hơn thì bạn có thể sấy khô như này.

DSC_0460 (640x424)

Mận sấy xong thì cho đường vào, ngâm khoảng 2 hôm cho đến khi đường tan hết.

DSC_0575 (640x424)

 

Chắt nước đường vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi nước đường cô lại còn 1/2 thì bạn tiếp tục cho mận cùng với gừng (đập dập hoặc giã nhỏ tùy thích) vào đun nhỏ lửa, thỉnh thoảng đảo nhẹ tay cho ngấm đều từng miếng mận. Đun cho đến khi chỗ nước đường còn lại 1/2 nữa thì tắt bếp, vớt mận và gừng ra đĩa hoặc lọ sạch để dùng dần.

Giờ thì hãy bật phim lên, chúng mình cùng xem phim cùng nhấm nháp những miếng mận xào gừng hơi chua cay mặn ngọt nhé, nếu ai thích ăn cay nữa thì cho thêm chút ơt bột vào cũng sẽ ngon đấy. Chúc các bạn thành công!

DSC_0027 (640x424)